Bảo mật Telnet

Nếu cân nhắc về bảo mật vi tính (computer security) thì TELNET là một giao thức không nên dùng, do ba nguyên nhân chính sau đây:

  • Trong nhiều năm qua, một số điểm yếu (vulnerability) trong các daemon của TELNET đã bị người ta phát hiện, và có thể vẫn còn những điểm yếu tồn tại chưa tìm thấy. Những điểm yếu đó tạo cơ hội cho những tấn công bên ngoài vào máy, vào người dùng, làm cho việc sử dụng và điều hành máy trở nên một mối lo ngại.
  • Ở dạng nguyên của mình, TELNET không mật mã hóa các dữ liệu truyền tải qua đường dây kết nối (kể cả mật khẩu), vì thế việc nghe trộm đường truyền thông là một việc tương đối dễ dàng thực hiện. Mật khẩu lấy trộm được có thể được dùng vào những việc có mục đích hiểm độc.
  • TELNET thiếu nghi thức xác thực người dùng. Nhu cầu xác thực người dùng là một nhu cầu quan trọng, đảm bảo sự giao thông giữa hai máy chủ trong cuộc, không bị một người trung gian xen vào (xin xem thêm những tấn công trung gian (Man-in-the-middle attacks).

Trong một môi trường làm việc mà sự an toàn và bí mật là một yêu cầu quan trọng, nhưng trên mạng lưới công cộng Internet, việc dùng TELNET là một việc không nên. Phiên giao dịch dùng TELNET là một phiên giao dịch thường, dữ liệu truyền thông không được mật mã hóa (unencrypted). Nếu có một người ngoài nào có khả năng truy cập, hoặc đến gần được vào một bộ định tuyến (router), một bộ chuyển mạch (switch), hoặc một cổng nối (gateway) nằm trên mạng lưới, giữa hai máy chủ dùng "telnet" ở trên, người đó có thể chặn các gói dữ liệu của TELNET trên đường truyền, lấy những tin tức về đăng nhập, mật khẩu (và tất cả những gì mà người gửi đã đánh máy), bằng cách sử dụng một số những công cụ phần mềm như tcpdump hoặc Wireshark chẳng hạn.

Những sơ hở này gây sự mất uy tín đối với TELNET rất cao, và càng ngày càng ít người sử dụng nó. Người ta dần dần chuyển sang dùng SSH, một giao thức có tính năng tương tự, nhưng an toàn hơn. SSH ra đời vào năm 1995. SSH cung cấp tất cả những chức năng đã có trong "telnet", nhưng thêm chức năng mật mã hóa dữ liệu, tránh cho những dữ liệu có tính nhạy cảm cao bị chặn lại và bị nghe trộm. Phương pháp xác minh, dùng khóa công khai (public key), để chứng minh một máy tính ở xa nào đấy, thực sự là máy mà mình muốn liên lạc, đã được thực hiện.

Những chuyên gia về bảo mật máy tính như Viện SANS (SysAdmin, Audit, Network, Security Institute) và những thành viên của nhóm tin tức (newsgroup) comp.os.linux.security - (xem thêm FAQ ở đây) - khuyên mọi người rằng bất cứ một kết nối nào, hòng sử dụng đăng nhập từ xa (remote logins) dùng TELNET, trong những hoàn cảnh bình thường, đều đáng phải bị ngắt mạch, không được phép tiếp tục.

Khi TELNET mới được thiết kế và xây dựng vào năm 1969, phần đông những người dùng máy tính liên kết mạng là những người làm việc trong bộ phận vi tính của các cơ quan giáo dục, những bộ phận nghiên cứu lớn của tư nhân hoặc của chính phủ. Dưới môi trường ấy, bảo an truyền thông là một việc không mấy người quan tâm. Mãi cho đến khi sự bùng nổ về dải tần trong năm thuộc thập niên 1990, khi số lượng người truy cập và sử dụng Internet tăng lên gấp bội lần, và đồng thời với sự tăng trưởng này, số lượng người tấn công vào các máy chủ cũng tăng nhanh, thì việc bảo an truyền thông kết nối mới được để ý đến. Trong những điều kiện thông thường TELNET không nên được dùng trên những mạng lưới có kết nối với Internet.